Bảng phấn (bảng từ xanh) là phương tiện truyền tải nội dung thông tin học tập trên lớp học, cũng như trong các xưởng thực hành. Tuy nhiên người truyền tải thông tin cần nắm được những nguyên tắc cơ bản để trình bày nội dung trên bảng sao cho thật thẩm mỹ, khoa học mà lại thật hiệu quả. Dưới đây là 06 nguyên tắc trình bày nội dung trên bảng phấn (Bài viết tham khảo từ môn phương tiện dạy học trong chương trình Đào tạo – Bồi dưỡng nghiệp Sư phạm dạy nghề)
Bảng phấn & 06 nguyên tắc cơ bản khi trình bày nội dung
01 – Quan sát và kiểm tra bảng
Ở bước này bạn phải chắc chắn là mặt bảng sạch, bảng đã được bắt cố định, không rung khi viết. Trước khi trình bày nội dung giáo viên, hoặc người truyền tải nội dung cần lập dàn ý chính xác, dự kiến cách bố trí nội dung trên bảng.
02 – Chia bảng (bố cục bảng)
Tùy theo đặc thù môn học, theo nội dung trình bày, cũng như kích thước bảng cụ thể mà phân chia bảng cho phù hợp. Thông thường đều chia thành ba phần đều bằng phấn. Việc phân chia này sẽ đảm bảo các nội dung được trình bày trên bảng là đầy đủ, khoa học. Nếu trong phòng học có lắp màn chiếu chiếm một phần diện tích bảng thì quá trình sử dụng đòi hỏi giáo viên phải kết hợp hài hòa giữa màn chiếu và bảng tránh trường hợp một phần bảng bị lãng phí.
03 – Sử dụng bảng từ xanh
Sau khi đã phân chia bảng thành ba phần riêng biệt như trên thì trong quá trình trình bày bảng giáo viên nên lưu ý:
- Phần giữa bảng trên ghi tên bài. Ghi bảng chữ in hoặc chữ thường cỡ to, có thể dùng phấn màu gạch chân tên bài giảng.
- Phần bên trái bảng viết dàn bài, giữ cố định không xóa (trong suốt quá trình giảng bài). Đây được xác định như xương sống của bài giảng. Bài học gồm những nội dung cơ bản nào được liệt kê và ghi rõ vào đây. Với những nội dung bài giảng cụ thể, ngoài việc kết hợp các phương pháp giảng dạy khác nhau và những phương tiện kỹ thuật cần thiết thì giáo viên ghi những đề mục, dàn bài lên bảng sẽ đảm bảo việc ghi nhớ cho những người học sau tiết giảng, vì người học có thể ghi và lưu giữ kiến thức bài học thông qua những nội dung, dàn ý này .
- Phần giữa bảng dùng để giải thích, vẽ, phân tích, xóa thường xuyên. Những kiến thức liên quan, những công thức, các đại lượng liên quan đến nội dung giảng dạy được giáo viên sử dụng và thế hiện ở nội dung phần trung tâm của bảng như các công thức toán học, công thức vật lý hay các phương trình hóa học….Việc viết công thức kết hợp giải thích các đại lượng trong công thức sẽ làm rõ hơn, minh họa đầy đủ hơn nội dung giảng dạy.
- Phần bên phải bảng ghi từ khóa, công thức hoặc ý tưởng quan trọng của chủ đề, học sinh làm bài tập. Với những nội dung giảng dạy mang tính chất bản lề làm tiền đề vào nội dung bài mới như kiểm tra bài cũ, hay hệ thống bài được dành thực hiện ở phần bảng này. Phần thực hiện của học sinh sẽ được lưu giữ làm cơ sở so sánh với nội dung bài học trước (hệ thống bài) hoặc làm cơ sở để phát triển nội dung bài học mới.
04 – Viết bảng phấn
Nghệ thuật trình bày của giáo viên được thể hiện qua việc viết và trình bày nội dung trên bảng.
- Trong quá trình trình bày bảng cần bảo đảm các yêu cầu sau:
- Chữ viết, hình vẽ phải rõ ràng đủ để mọi người ở các vị trí khác nhau đều quan sát được.
- Ghi bảng đẹp, gọn, tập trung và bám lấy trọng tâm.
- Làm nổi bật tên bài và các đề mục
+ Tên bài: Ghi chữ in hoặc chữ thường, cỡ chữ to…
+ Đề mục: Gạch chân, viết đậm, khi đánh đề mục thì mục nhỏ lùi sâu hơn so với mục lớn.
– Giáo viên đứng xa bảng (khoảng 20cm) và đứng sang một bên để tận dụng được ánh sáng, bảo đảm người học dễ quan sát, ghi chép và giáo viên quan sát lại được người học.
– Cầm phấn thoải mái, khi viết bảng xoay đầu phấn theo chiều kim đồng hồ.
05 – Vẽ trên bảng
Nên vẽ phác trước, chỉ vẽ những hình đơn giản, đối với hình, sơ đồ phức tạp có thể chuẩn bị vẽ, in ra giấy khổ lớn hoặc sử dụng máy chiếu.
06 – Cách xóa bảng
Đây là công việc tưởng chừng đơn giản nhất nhưng cũng cần có nguyên tắc đúng. Bạn thử hình dung khi mới bắt đầu vào lớp bảng chưa được xóa hoặc bảng xóa còn vết trắng bên trên, phía dưới có đoàn dự giờ. Vậy chúng ta sẽ xóa bảng bắt đầu từ đâu? Ở giữa, bên trái hay bên phải của bảng? Nếu chúng ta xóa từ giữa hay từ bên phải của bảng trước rồi mới xóa bên trái thì bạn sẽ phải chờ cho bảng khô trong một thời gian rồi mới viết bảng được. Theo nguyên tắc là những nơi nào xóa trước sẽ khô trước và chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc xóa từ trên xuống và từ trái qua phải, như vậy sẽ đảm bảo chắc chắn bảng của bạn luôn ở tư thế sẵn sàng cho bạn viết vẽ. Đồng thời chúng ta cũng thực hiện xóa ngang hoặc dọc bảng.
Để có trải nghiệm tốt nhất bảng xanh, xem thêm thông tin hướng dẫn sử dụng bảng từ xanh đúng cách & bền lâu
Những nội dung trong bài viết trên đây có thể không mới, nhưng hy vọng sẽ giúp những giáo viên trẻ thực hiện tốt để góp phần vào thành công bài giảng của mình. Bảng Tân Hà luôn đồng hành cùng cô giáo trong mọi bài giảng
Theo: GV: Lê Văn Tuân – Khoa Sư phạm dạy nghề
Với những thông tin hữu ích trên, Thế Giới Bảng mong rằng bạn luôn có những trình bày đẹp nhất trên bảng xanh!